Câu chuyện có thật của độc giả DauThau.info hỏi chúng tôi
Một ngày cuối năm trên hệ thống chat của phần mềm DauThau.info với khách hàng chúng tôi nhận được câu hỏi của độc giả về vấn đề giảm giá khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng (hay gọi cách khác là làm đàm phán hợp đồng), để tiện trao đổi khách hàng sau đó gọi trực tiếp cho chúng tôi, câu chuyện như sau:
Anh khách hàng là một doanh nghiệp nhỏ ở Huế kinh doanh vật tư thiết bị y tế, vừa qua công ty bên anh có tham dự và trúng thầu một gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho một đơn vị trên địa bàn, khi được mời vào thương thảo, hoàn thiện hợp đồng thì phía chủ trì tổ chức buổi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng có đề nghị giảm giá so với giá trúng thầu. Gặp tình huống này anh khách hàng rất băn khoăn, bởi lẽ khi tham dự thầu anh đã tính toán rất kỹ để đảm bảo cạnh tranh với các đối thủ khác, do đó khi tham dự thầu giá dự thầu công ty anh đã đưa về mức lợi nhuận tối thiểu, gần như chỉ để duy trì cho công ty có công việc trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế trước đại dịch Covid-19. Anh băn khoăn trường hợp nếu anh không đồng ý giảm giá thì có sao không, liệu có bị xem là thương thảo không thành công và bị loại, khi đó bên mời thầu sẽ mời nhà thầu xếp thứ hai vào thương thảo hợp đồng không?. Khi đó anh khách hàng bỗng nhớ đến những câu chuyện thực tế và thiết thực mà DauThau.info hay viết và đưa tin liền liên lạc để có hỗ trợ.
Sau khi nhận được câu hỏi, chúng tôi hỏi thêm anh:
"Trong quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu của đơn vị anh, phía Bên mời thầu có văn bản nào liên quan đến thông báo sửa lỗi số học, hiệu chỉnh sai lệch không?"
Anh trả lời là "Không", điều này được hiểu là hồ sơ dự thầu của anh không có lỗi số học, không có chào thừa hay chào thiếu khiến phải dẫn tới hiệu chỉnh sai lệch. Từ đó, chúng tôi khuyến nghị a như sau:
Căn cứ pháp lý để thương thảo hợp đồng được quy định tại Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, theo đó khoản 3 Điều 19 ghi rõ:
3. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng:
a) Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
b) Việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện khối lượng mời thầu nêu trong bảng tiên lượng mời thầu thiếu so với hồ sơ thiết kế thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong hồ sơ dự thầu chưa có đơn giá thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu;
c) Việc thương thảo đối với phần sai lệch thiếu thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.
Như vậy, nếu nhà thầu đã chào theo đúng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu thì không có chuyện "ép" nhà thầu giảm giá đối với đơn giá đã chào, vì như thế đã vi phạm nguyên tắc tại điểm b) Khoản 3 nêu trên.
Nếu Nhà thầu không đồng ý giảm giá thì có được xem là thương thảo không thành công?
Quay trở lại trả lời tiếp câu hỏi liệu không đồng ý giảm giá thì sao, chúng tôi cũng phân tích với anh
Do không có cơ sở để "ép" nhà thầu giảm giá nên việc nhà thầu không đồng ý giảm giá không có căn cứ để nói việc Bên mời thầu và Nhà thầu đã thương thảo không thành công. Anh cứ yên tâm về điều này, hồ sơ dự thầu của anh đã chào đúng yêu cầu, những nội dung khác theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu như điều kiện thanh toán, tiến độ giao hàng cũng thực hiện theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì chắc chắn Bên mời thầu không thể có bất cứ lý do nào để làm khó anh được.
Nếu nhà thầu tự nguyện giảm giá thì sao?
Câu chuyện tiếp tục và anh cũng có hỏi thêm:
Anh thì thực sự cũng rất thiện chí và muốn tạo không khí thân thiện với Bên mời thầu vì đây là lần đầu tiên làm việc với bên này, theo em thì có lời khuyên nào cho anh, có thể a giảm tí chút cho vui vẻ hai bên cũng được, miễn sao là đúng quy định của pháp luật.
Đối với tình huống này, chúng tôi gợi ý anh như sau:
Luật thì cấm Bên mời thầu không được ép buộc để tạo sự công bằng cho nhà thầu, nhưng cũng không cấm nhà thầu tự nguyện giảm giá, vì rõ ràng nếu nhà thầu tự nguyện giảm giá thì Bên mời thầu sẽ có lợi, mà các cơ quan thanh, kiểm tra khi kiểm tra Chủ đầu tư/Bên mời thầu thì thường khiển trách đối với những lỗi gây thất thoát, lãng phí, chứ làm lợi thì đương nhiên sẽ không bị nói tới. Do đó, việc anh tự nguyện giảm giá đương nhiên không sao, tuy nhiên đối với tình huống này a có thể xem xét không giảm bằng tiền mà có thể giảm bằng "hiện vật" ví dụ như tặng thêm cho Chủ đầu tư một số vật tư thay thế dự phòng (ngoài phần theo thiết bị) hoặc tặng thêm một số dịch vụ (nếu có).
Dường như đã nhận được câu trả lời thích đáng, a nhẹ nhàng cảm ơn bằng chất giọng trầm ấm xứ Huế và xin phép để tiếp tục tiến hành buổi làm việc dở, không quên một lần nữa cảm ơn DauThau.info. Chúng tôi cũng cảm ơn anh vì đã tin tưởng và sử dụng sản phẩm gói
VIP1 của DauThau.info.
Đây là một tình huống đấu thầu mà không ít nhà thầu gặp phải trong quá trình tham gia một gói thầu, bài viết của chúng tôi hy vọng sẽ mang đến một gợi mở cho quý khách hàng khi tham gia các gói thầu thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn quý độc giả đã luôn theo dõi và ủng hộ chúng tôi!